1. Biện pháp tỉa thưa, tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật
– Tỉa thưa: Các vườn điều trồng dày, có tán đan xen lẫn nhau, phải được đốn thưa chỉ duy trì mật độ 100-120 cây/ha. Và cắt bỏ những cành giao nhau, đảm bảo tán của cây này cách cây kia tối thiểu từ 1,0-1,5m.
Đánh dấu những cây thường xuyên không cho trái để cưa bỏ. Dùng cưa cắt sát gốc và dùng dao bóc vỏ để gốc cây mau chết và không nảy chồi mới. Thời điểm tỉa thưa được tiến hành cùng thời điểm tỉa cành tạo tán đợt I.
1. Tỉa cành, tạo tán:
Vườn điều kinh doanh bắt buộc phải tỉa cành tạo tán 2 đợt/năm.
Đợt 1: Được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch kết thúc, khoảng tháng 5-6 dương lịch trước khi cây phát đợt lá mới. Thời điểm này tiến hành tỉa mạnh (kết hợp tỉa thưa nếu mật độ dày): tỉa bỏ những cành chạm mặt đất, cành nằm phía trong tán, bị che bóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành giao tán (cắt tán rời nhau 1-1,5m).
Đợt 2: Được tiến hành vào tháng 8-9 hàng năm. Lần này chỉ cắt tỉa vệ sinh (cắt tỉa cành nhỏ nằm trong tán, bị che bóng, cành sâu bệnh, cành vượt), tuyệt đối không tỉa cành có kích thước lớn, cây chảy nhựa, ảnh hưởng ra hoa đậu quả.
2. Phương pháp tỉa cành tạo tán:
Đối với cành lớn, dùng cưa mini cắt tại vị trí cổ cành để vết cắt nhanh liền sẹo và không bị sâu bệnh tấn công vào vết cắt. Tuyệt đối không dùng dao chặt, làm cho vết chặt không liền sẹo, dẫn đến sâu bệnh tấn công hoặc mọc nhiều chồi non vô hiệu tại đoạn cành còn chừa lại.
Đối với các cành nhỏ trong tán, cành vô hiệu phải được tỉa bỏ bằng liềm hay kéo cắt cành. Phần lớn bà con nông dân mới chú ý cưa bỏ những cành to nằm sát mặt đất, chưa chú trọng tỉa cành vô hiệu nên công tác tỉa cành tạo tán chưa đạt yêu cầu.
Sau khi tỉa xong, tiến hành vệ sinh vườn, thu gom cành nhánh xếp thành luống theo đường đồng mức để cản nước, chống xói mòn và gia tăng chất mùn cho đất sau khi hoai mục. Đồng thời tiến hành bón phân đợt 1.