Đu đủ lùn Thái Lan cho năng suất quả vượt trội, thời gian thu hoạch ngắn, ít sâu bệnh, có thể khai thác trái lên đến 4 năm. Chính vì vậy, đây đang là giống cây ăn trái được bà con mở rộng diện tích canh tác nhằm mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Để giảm thiểu rủi ro, cho hiệu quả cao, bài viết này, Siêu Thị Nhà Nông sẽ gửi tới bà con kỹ thuật trồng đu đủ lùn toàn diện nhất. Mời bà con theo dõi.
1. Điều kiện sinh trưởng của cây đu đủ lùn
- Khí hậu: nhiệt độ ấm áp, trùng bình 25 độ C. Xung quanh không có bóng cây che nắng. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
- Lượng mưa: trung bình chỉ từ 100mm/tháng. Nếu lượng mưa trên 250 – 300mm/tháng sẽ khiến rễ bị ngập úng, có thể ngập đến cả quả.
- Đất đai: Đất trồng tơi xốp, dễ thoát nước, chứa ít phèn, độ pH từ 5,5 – 7. Khu vực mưa nhiều cần phải làm luống, xung quanh có mương thoát nước.
2. Cách chọn giống đu đủ lùn
Bà con có thể mua hạt giống về ươm và trồng hoặc mua cây giống nhỏ tại các vườn ươm. Tuy nhiên cần chọn mua giống ở vườn ươm uy tín, chọn cây chắc khỏe, không bị sâu bệnh, chiều cao nên từ 20 – 30cm.
Nếu mua hạt về ươm, bà con tiến hành theo các bước sau:
– Ngâm hạt trong nước ấm từ 30 – 40 độ C, loại bỏ hạt nổi lên, hạt lép, hạt non. Ngâm 10 phút, vớt ra, tiếp tục ngâm với nước lạnh bình thường khoảng 2 tiếng.
– Gieo hạt vào bầu đất hoặc gieo trên líp mương.
- Gieo vào bầu: Sử dụng bầu cây có kích thước 10 x 15cm để gieo 2 – 3 hạt. Đất trong bầu đã được trộn với phân chuồng hoai mục, sử dụng đất tơi xốp.
- Gieo trên líp mương: Đất gieo được trộn đều với phân chuồng hoặc trộn với phân trùn quế để tăng độ phì nhiêu giúp hạt giống nhanh nảy mầm. Mỗi 1m2 đất có tỉ lệ trộn đất gồm: 5 – 10kg phân hữu cơ + 0,15 – 0,2kg super lân + 0,3 – 0,5kg vôi. Gieo mỗi lỗ từ 2 – 3 hạt, cách nhau 5 – 10cm, gieo ở độ sau khoảng 0,6cm. sau khi lấp đất thì ủ rơm rạ cho hạt nảy mầm.
Tuy nhiên, nên gieo hạt vào bầu đất để thuận tiện trong quá trình chăm sóc. Sau khi gieo vào bầu thì tưới nước đủ ẩm, nén vừa phải. Khi cây con cao từ 20 – 30cm, có từ 3 – 5 lá thật thì đánh cây từ trong bầu ươm ra vườn trồng.
Thời vụ trồng đu đủ lùn
Cây đu đủ có thể trồng được quanh năm. Nhưng thời điểm trồng thích hợp, cho thu trái năng suất cao là:
- Vùng đất ít chủ động nguồn nước tưới tiêu: trồng từ tháng 10 – 11 dương lịch.
- Vùng đất chủ động nước tưới tiêu: trồng từ tháng 6 – 8 dương lịch.
Ngoài ra, bà con có thể trồng đu đủ lùn theo thời vụ ở từng vùng miền:
Miền Bắc:
- Vụ xuân: Trồng cây vào khoảng thời gian từ tháng 2 – 4.
- Vụ thu: Trồng cây vào khoảng tháng 8 – 10.
Miền Trung:
- Vụ xuân: Tiến hành trồng cây vào khoảng thời gian từ tháng 12 – 1.
- Vụ hè thu: Tiến hành trồng cây vào khoảng thời gian từ tháng 5 – 6.
Miền Nam:
- Thường trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 4 – 5.
3. Mật độ trồng cây đu đủ
- Cây cách cây: 1,8 – 2m
- Hàng cách hàng: 2 – 3m
4. Cách trồng cây đu đủ lùn đúng tiêu chuẩn
Nên tiến hành trồng cây vào ngày mát trời. Nếu ngày nắng thì nên trồng vào buổi chiều mát.
Đất trồng được đánh tới xốp, lên líp sau đó đào thành từng hố đất có chiều rộng 30 – 40cm, sâu 30 – 40cm dãn đều theo mật độ trồng. Bón lót phân vào hố trồng, mỗi hố có tỉ lệ như sau: 3 – 4kg phân hoai mục + 120 – 150g phân ure + 250 – 500g phân lân + 20 – 30g phân kali. Tiến hành bón lót trước 1 tháng trồng.
Đắp ¾ đất trộn phân xuống hố sau đó xé bầu và trồng cây.
Khi đặt cây con thì đặt thân nằm nghiêng xuôi theo chiều gió mạnh để hạn chế bộ rễ ăn sâu. Đồng thời giúp cây chống lại gió bão, tránh đọng nước cho năng suất quả vượt trội.
Bí quyết trồng đu đủ lùn sai quả nhiều là bà con nên trồng từ 2 – 3 cây/hốc, khi cây bắt đầu trổ bông thì tỉa bớt chỉ để lại cây lưỡng tính giúp tỉ lệ sai quả cao nhất.
Do đu đủ lùn sai quả thấp nên bà con không cần phải đắp mô đất cao như giống đu đủ thường. Sau khi trồng, tưới nước để cấp ẩm cho bộ rễ.
5. Chăm sóc đu đủ lùn sai nhiều quả
Tưới nước
Đu đủ tuy cần nhiều nước nhưng lại sợ bị ngập úng và dễ chết do úng nước. Do đó bà con cần cấp đủ nước vào mùa nắng và chủ động tiêu nước vào mùa mưa.
Làm cỏ
Theo dõi và làm cỏ thường xuyên để tránh việc chúng cạnh tranh phân bón và nước với rễ cây đu đủ cao sản. Làm cỏ còn để hạn chế mầm bệnh phát sinh và gây hại
Bà con cần lưu ý, cây đu đủ mẫn cảm với thuốc trừ cỏ, đặc biệt là thuốc 2,4 – D, nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm chết cây. Do đó bà con nên làm cỏ theo phương pháp thủ công sẽ tốt hơn.
Ủ gốc
Khi thời tiết nắng gắt, bà con nên dùng rơm rạ hoặc cỏ khô để ủ quanh gốc nhằm giữ độ ẩm và duy trì nhiệt độ thích hợp cho cây, đặc biệt là cây con.
Bón phân
Năm thứ nhất, tiến hành bón thúc phân hóa học cho cây đu đủ cao sản với liều lượng như sau:
- Ure (46% N): 300g/cây
- Super lân (20% P205): 500g/cây
- Clorua Kali (K20): 350g/cây
Chia lượng phân bón như sau:
- 4 tháng đầu: dùng ⅔ tổng lượng phân bón. 1 – 2 tháng đầu, bà con có thể pha với nước để tưới cho cây với liều lượng 50g/10 lít nước, tưới cách nhau 5 – 7 ngày/lần. Tháng 3 – 4, bón xung quanh gốc ở độ sâu từ 2 – 3cm, cách gốc 15 – 20cm, chia làm 2 lần bón, mỗi lần cách nhau nửa tháng.
- 2 tháng tiếp theo: dùng tiếp ⅔ trong tổng số phân còn lại. Xới đất xa gốc từ 30 – 40cm để bón.
- tháng cuối cùng khi thu quả lứa đầu: dùng hết số phân vô cơ.
Mỗi lần bón phân hóa học nên đắp thêm một lớp đất thịt mỏng để tránh cho phân bị rửa trôi đồng thời tạo lớp đất mặt tơi xốp để rễ cây ăn lan rộng chứ không ăn sâu xuống dưới. Tuy nhiên lớp đất thịt chỉ nên mỏng 2 – 5cm nếu không sẽ gây thối gốc.
Năm thứ hai, bón thêm 5 – 10kg phân chuồng + 300 – 400g ure + 500 – 1.000g super lân + 300 – 400g kali. Chia thời điểm bón như năm thứ nhất.
Ở những vùng đất ít phù sa màu mỡ, mỗi năm bà con có thể bón thêm 100 – 200g vôi/cây để cải tạo đất, giúp hạn chế bệnh vàng bạc trên cây đu đủ Thái Lan.
Thụ phấn bổ sung
Nếu trong vườn trồng có nhiều cây đu đủ cái, bà con nên tiến hành thụ phấn bổ sung để cho tỉ lệ sai quả cao. Tiến hành thụ phấn bằng 2 cách:
- Thụ phấn chéo tự nhiên trong vườn: Khi cây bắt đầu ra hoa, tiến hành chặt bớt, chỉ để lại từ 2 – 5% số cây đực so với cây cái trong tổng vườn cây. Thụ phấn tự nhiên diễn ra nhờ gió, ong, bướm.
- Thụ phấn thủ công bằng tay: Tiến hành thụ phấn bổ sung từ 8 – 10 giờ sáng khi thời tiết khô ráo. Dùng kim nhọn đâm nhẹ vào thân, trái non để dính nhựa, sau đó lăn kim để lấy phấn trên nhị đực. Dùng phấn đó sát nhẹ trên nuốm vòi nhụy cái của hoa chưa nở hoặc mới nở.
Tỉa trái
Đề tăng giá trị thương phẩm, đảm bảo tính thẩm mỹ cho trái, vào thời kỳ đậu trái, bà con nên quan sát và tỉa bớt những trái đu đủ bị bệnh, méo mó, khuyết tật vào thời điểm nắng ráo để những quả còn lại phát triển tốt hơn.
Lưu ý để đu đủ sai nhiều quả và ít bị cằn cỗi:
- Không được trồng đu đủ liên tiếp các vụ trên một diện tích đất vì dễ phát bệnh xoăn lá chưa có thuốc đặc trị. Tốt nhất nên trồng luân canh cây ăn quả khác từ 2 – 3 năm sau đó trồng lại đu đủ.
- Không nên dùng quá nhiều phân đạm vì dễ khiến cây bị xốp tốt lá xấu quả lại hấp dẫn côn trùng, khiến quả bị đắng, chát, gây ngộ độc cho người sử dụng.
- Nên bón phân chuồng hoặc các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học EM1…
- Không nên đi lại nhiều trong vườn đu đủ đang bị ngập nước.
6. Phòng trừ sâu bệnh hại cây đu đủ
Rệp sáp:
Do rệp có màu trắng gây ra trong mùa nắng. Chúng sẽ bám sát vào ngọn, thân, lá, trái để trích hút nhựa làm cây kém phát triển, quả méo mó và dễ bị nấm bồ hóng.
Biện pháp: dùng thuốc phun Dimecron, Bi – 58, Trebon… với liều lượng được khuyến cáo. Nên phun sớm khi rệp còn nhỏ, tránh để lây lan.
Rệp dính:
Phát sinh và bám bào trái, đọt non hoặc dưới mặt lá để hút nhựa giống như rệp sáp.
Biện pháp phong trừ giống như với rệp sáp.
Nhện đỏ:
Nhện có màu hồng nhẹ, đỏ sậm, rất nhỏ bám ở trên và dưới mặt lá. Chúng phát triển nhanh vào mùa nắng. Nơi bị bám và chích hút sẽ bị vàng lá, có thể bị cháy.
Phòng và trị bệnh bằng thuốc đặc trị nhện: Danitol, Zalone, Sherzol, Monitor… theo liều lượng được khuyến cáo.
Bệnh thối gốc:
Bệnh thối gốc phát triển vào mùa mưa, những cây từ 2 – 3 năm tuổi dễ bị bệnh. Khi bị bệnh, cây sẽ bị vàng lá, rũ và rụng đi, quả cũng bị tương tự.
Cây mới nhiễm bệnh có thể dùng dao để khoét bỏ phần bị bệnh, cây bị nặng thì nhổ bỏ.
Phun vôi 1% hoặc dùng Maneb 80 WP, Mancozeb để phun vào gốc cây hoặc tưới trên nền đất xung quanh.
Bệnh phấn trắng:
Bệnh này biểu hiện rất rõ, phần dưới mặt lá sẽ bị đóng phấn trắng khiến lá bị biến dạng, quả đu đủ méo mó, phát triển lém.
Dùng thuốc Zineb 80%, Benomyl 50 WP để phun.
Chú ý: Khi dùng thuốc trừ sâu phải có thời gian cách ly thích hợp trước khi thu trái, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất.
7. Thu hoạch đu đủ
Đu đủ lùn cho thời gian thu hoạch ngắn ngày. Bà con có thể thu hoạch khi quả bắt đầu chuyển sang màu vàng nhẹ ở phần dưới quả.
Nên thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát khi thời tiết khô ráo. Do đu đủ Thái Lan sai quả thấp nên thuận tiện cho việc thu quả, bà còn chỉ cần dùng dao hoặc kéo. Nên cắt và giữ cuống từ 2 – 3cm.
Sau khi thu thì dùng giấy để bọc phần cuống, thuận tiện cho quá trình vận chuyển. Trái đu đủ cần được bảo quản ở điều kiện khô ráo, nhiệt độ từ 10 – 12 độ C, độ ẩm từ 90 – 95% trong từ 2 – 3 tuần.
Giống đu đủ cao sản Thái Lan cho năng suất rất cao, trung bình từ 50 – 60 trái/năm, nếu thực hiện đúng kỹ thuật trồng đu đủ lùn, năng suất có thể đạt từ 90 – 100 trái/năm. Với giá bán trung bình từ 7 – 10 nghìn đồng/kg, bà con có thể thu được trên 100 triệu đồng/ha/năm.