Cà tím là loại cây thuộc họ Cà, có quan hệ họ hàng gần gũi với cà chua, khoai tây, cà pháo…
Nó thuộc dạng cây thực phẩm hàng năm, có gai. Lá to, hoa màu trắng hoặc tím nhạt, quả thuộc dạng quả nhiều thịt.
Đây là loại cây cho quả làm thực phẩm được sử dụng vô cùng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Đặc tính
Đây là loài cây tương đối dễ trồng, không cần diện tích trồng quá lớn, nhưng lại cho nhiều quả, và có năng suất cao, thời gian thu hoạch kéo dài.
Mặt khác, đây là loại cây tương đối hợp khí hậu Việt Nam, rất thuận tiện để trồng.
Các giống cà
Nhờ vào công nghệ lai tạo và làm giống mới, hiện nay có khoảng 40 giống cà tím khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, nếu như bỏ qua sự phân biệt về màu sắc, thì về cơ bản có 3 giống cà tím phổ biến nhất, phân biệt dựa trên hình dáng của quả.
- Cà tím tròn có hình tròn hoặc có hình như một nắm tay. Khá giống với trái cà thông thường, nhưng to hơn.
- Cà tím dài có dáng dài, tùy quả có thể dài từ 35 – 70cm, có thân nhỏ, thân quả có dạng thuôn dài, to đều.
- Cà tím dạng củ là dạng cà tím phổ biến và được ưa chuộng nhất. Nó có thể coi là dạng nằm giữa cà tím tròn và cà tím dài. Kích thước giống cà này dài vừa phải, khoảng 15 – 30cm, phần đầu quả thuôn nhỏ hơn so với phía dưới giống như cà tím dài nhưng phần đuôi quả lại phình ra to tròn giống như cà tím tròn.
Bạn nên tùy thuộc vào diện tích và mục đích trồng để trồng loại cà tím phù hợp. Nếu trồng phục vụ gia đình, thì cà tím dạng củ là phù hợp nhất. Còn nếu trồng diện tích chuyên canh lớn, nên trồng loại cà nào dễ tiêu thụ và phù hợp nhu cầu thị trường. Hiện nay, cà tím dài và cà tím củ là hai loại được trồng nhiều nhất.
Kỹ thuật gieo trồng cà tím
Thời vụ
Như đã nói, cà tím là loài thực vật xuất xứ từ Ấn Độ, vì thế nó rất ưa khí hậu nóng. Ở nước ta, cà tím có thể trồng được quanh năm, trừ khu vực Tây Bắc có mùa đông quá lạnh.
Có thể nói đây là loại cây trồng tuyệt vời cho gia đình bạn, bất kể thời vụ.
Chọn đất đai
Cà tím là loại cây trồng không quá kén đất. Tuy nhiên, nếu muốn trồng cà tím với năng suất và dễ chăm sóc nhất, nên chọn loại đất phù hợp nhất.
Loại đất được cho phù hợp nhất với cà tím là đất ít sét, nhiều bùn, tất cả các loại đất như đất phù sa, đất xám, đất đỏ đều có thể trồng cà tím rất tốt. Nên chọn đất có độ pH dao động khoảng 5,5 – 6,8.
Ngoài ra, cà tím là loài cây sợ úng, nên tìm đất có hệ thống thoát nước tốt, hoặc ít ngập úng, nhất là trồng vào vụ Hè Thu. Nếu bạn trồng vụ Thu Đông, khả nằn ngập úng không cao, nhưng vẫn nên đề phòng.
Hạt giống và xử lý giống
- Hạt giống
Hạt giống về bản chất sẽ quyết định hoàn toàn tỷ lệ nảy mầm, thậm chí còn ảnh hưởng đến mức độ sâu bệnh hại và năng suất cây trồng.
Vì thế, khi chọn mua giống bạn nên chú ý, tốt nhất là tìm đến các cửa hàng chuyên về giống và phân phối hạt giống lâu năm để có được hạt giống an toàn và chất lượng nhất.
Hơn nữa, đến các cửa hàng chuyên về giống có thể giúp bạn tìm được giống cà tím bạn muốn trồng trong hàng chục giống cà hiện có ngày nay.
- Xử lý hạt giống
Xử lý hạt giống cà tím tương tự hạt giống các loại cây khác. Ngâm trong nước ấm khoảng 40 độ C (pha bằng công thức 3 sôi 2 lạnh) từ 8 – 12 giờ. Sau đó vớt ra khăn ẩm ấm để ủ khoảng 12 tiếng nữa là hạt đã nứt nanh và có thể đem gieo.
Làm đất
Cày đất thật sâu, tối thiểu 25 – 30cm, bừa đất cho thật nhuyễn. Chú ý nên làm sạch mầm cỏ, việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm công sức làm cỏ sau này.
Bạn nên làm đất để gieo hạt trước, đất canh tác sau. Với cà tím là loại cây tỷ lệ nảy mầm trung tính, nên gieo hạt mầm ra liếp, sau khoảng 2 tuần, khi cây con cao khoảng 5 – 10 phân mới đem đi trồng thực.
Lên luống
Làm luống gieo hạt cao khoảng 10cm, rộng 2m, sau khi làm đất thật nhuyễn, gieo hạt lên, phủ một lớp đất thật mỏng. Sau đó, bạn có thể phủ lên một lớp mỏng bằng rơm ướt. Lớp rơm có tác dụng tránh tác động từ bên ngoài đến hạt dẫn đến hỏng giống. Sau đó tưới ướt. Duy trì tưới nước trong 2 tuần đến khi cây lớn là được.
Đất để trồng cà tím có thể chuẩn bị cùng thời điểm với đất gieo hạt. Sau khi cày bừa cho nhuyễn, đào hố trồng cà, mỗi hốc sâu khoảng 20cm, rộng 40cm.
Khoảng cách giữa các hốc về cơ bản là khoảng 50x50cm. Với khoảng cách này, cây sẽ có đủ không gian để phát triển. Vùi phân bón lót vào các hốc trước, trong 2 tuần, phân có thể hoàn toàn hoai mục và có thể thành nguồn dinh dưỡng ngay khi ta trồng cây xuống.
Trồng cây
Sau 2 tuần, bạn có thể thấy cây cà lớn và phát triển tốt. Bỏ qua các cây con yếu, chọn lấy những cây có lá mầm lớn, thân khỏe để trồng. Quá trình đánh cây lên cần vô cùng thận trọng, tránh cây bị gãy rễ dẫn đến cây chết sau khi trồng xuống.
Trồng cây xuống hốc đã chuẩn bị, nhớ lấp trước một lớp đất lên trên lớp phân bón lót. Sau khi cho cây xuống, vùi lại đất, nhưng không nên nện đất quá chặt, cây sẽ bí khí.
Sau khi trồng, chú ý tưới nước đầy đủ, sau 1 ngày bạn có thể thấy lá cây tươi trở lại.
Nếu có cây lá không tươi, là do cây đó đã đứt rễ, khó sống tiếp được, bạn nên nhổ bỏ và thay thế bằng cây khác.
Quá trình trồng cây nên thực hiện vào buổi chiều mát. Đó là do, cây vừa trồng xuống chưa thể hút chất dinh dưỡng và nước ngay lập tức, nếu trồng vào sáng hoặc ban ngày, ánh nắng mặt trời có thể khiến cho cây bị mất nước, héo và chết.
Chăm sóc cây cà tím
Sau khi trồng và cây có mầm lên tốt, thì bạn đã đi được nửa quãng đường rồi. Giai đoạn sau, tập trung vào chăm sóc cây là được
Tưới nước
Cà tím là loại cây không cần quá nhiều nước. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc sau khi trồng, chỉ cần tưới 1 lần 1 ngày, ngày mưa không cần tưới. Tưới quá nhiều với loại cây này ngược lại làm cây úng rễ và không thể cho quả.
Làm cỏ và vun gốc
Công việc làm cỏ là công việc nhất thiết bạn phải thực hiện, tối thiểu 1 – 2 lần. Cỏ phát triển quá mạnh sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây. Với diện tích trồng cà, việc làm cỏ tương đối đơn giản do khoảng cách giữa các cây khá rộng. Sử dụng cuốc, xới vùng đất có cỏ lên và nhặt hết cỏ bỏ ra là được.
Sau khi làm cỏ, hãy sử dụng đất vun vào gốc cây. Do đây là cây có thân tương đối lớn, có quả nên khá nặng. Việc vun gốc nhằm giúp cây có thể đứng vững.
Tỉa lá
Sau khoảng 50 ngày kể từ ngày trồng, đây là lúc lá cây rậm rạp nhất, cây đã phát triển đủ về chiều cao và sức cành, chuẩn bị cho quả. Vì thế, công đoạn tỉa lá cho cây là công đoạn không thể thiếu được.
Tỉa đi các lá gốc, lá già, lá có sâu, lá đậm màu và gần chánh. Việc tỉa lá này vừa giúp có một phân bón thiên nhiên cho cây, vừa kích thích cây đẻ nhánh và cho ra nhiều quả. Chưa kể, việc tỉa lá giúp bạn phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp diệt trừ.
Phân bón
Ngoài vấn đề bón lót ban đầu, bạn cần quan sát sự phát triển của cây. Thông thường sẽ có 2 – 3 đợt bón thúc trong quá trình cây phát triển. Các lần bón thúc sau này, loại phân sử dụng chủ yếu là NPK, tối đa khoảng 200kg cho 1ha, chia làm 3 đợt bón cụ thể như sau:
Đợt 1: Khoảng 50 – 70kg
Tưới sau khi trồng cây khoảng 20 ngày. Đây là khi cây lớn thân, nhiều lá, và bắt đầu mọc rậm.
Đợt 2: Khoảng 60 – 80kg
Sau khi trồng cây khoảng 60 ngày. Cây lúc này đã ra hoa, sắp ra hoa hoặc có thể đã nhú mầm quả đầu.
Đợt 3: Đợt bón phân bổ sung
Chỉ cần tưới tối đa 50kg cho 1 ha. Tưới vào khoảng 80 ngày sau khi trồng. Đây là lúc cây đang ra quả, có thể bón phân để giúp cây ra nhiều quả, quả tốt hơn.
Sâu bệnh hại cây trồng
Một số loại sâu bệnh hại thường xuyên của cà tím có thể kể đến gồm: sâu đất, sâu rừng, ốc sên.
Ban đầu, bạn có thể sử dụng một số biện pháp tự nhiên để phòng bệnh.
Bản chất sâu đất đẻ trứng trong đất, vì thế, ban đầu, hãy đảm bảo bạn đã làm đất thật kỹ, nếu cần có thể rắc vôi khử khuẩn trước khi trồng cây. Còn sâu rừng và ốc sên là sâu ăn lá, bạn có thể dễ dàng nhận thấy chúng trong khi bạn thực hiện tỉa lá, tỉa bỏ ngay các lá bị ảnh hưởng bởi sâu.
Trong trường hợp sâu bệnh hại năng nền đến năng suất cây, bạn có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nên sử dụng thuốc bảo vệ có nguồn gốc sinh học được Bộ Nông nghiệp cấp phép và kiểm chứng.
Bệnh hại
Ở cà tím có một loại bệnh là nấm.
Bệnh này sẽ khiến cho cây khô héo lá từ ngon, trong thân có mạch quản rỉ nước màu vàng hay nâu. Với những cây mắc bệnh này, khả năng cao là xuất phát từ giống. Lập tức nhổ bỏ cây, đem đốt và rắc vôi chỗ đốt, đề phòng bệnh lây sang các cây khác.
Thu hoạch
Thời gian bắt đầu thu hoạch cà là từ 60 – 70 ngày kể từ ngày trồng. Thu hoạch khi quả có màu tím, da bóng, mỡ và láng mịn.
Đây là loại cây có thời gian thu hoạch kéo dài, do thu thành nhiều lứa. Khoảng 3 ngày có thể thu hoạch 1 lần. Thời gian thu hoạch phụ thuộc vào trình độ thâm canh, giống, điều kiện tự nhiên, nhưng về cơ bản có thể thu trong khoảng 3 – 5 tháng.
Do thời gian thu hoạch kéo dài như vậy, nên đây là loại cây có năng suất rất cao.
Trung bình, năng suất có thể đạt tới 45 – 50 tấn trên 1 ha chuyên canh.
>>>>> Xem thêm bài viết: Kỹ thuật trồng và công dụng thần kì của cây mướp
Siêu Thị Nhà Nông tự hào cung cấp giống cây trồng Nông lâm nghiệp;
Hoa kiểng – Hạt giống – Cây giống rau, hoa uy tín, chất lượng theo phương châm “Niềm tin nhà nông – Nâng tầm cuộc sống”, cùng sứ mệnh:
✔ Xây dựng một địa chỉ cung cấp các sản phẩm, uy tín tin cậy cho nhà nông;
✔ Đồng hành với nhà nông nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, góp phần xây dựng một nền Nông nghiệp xanh – Rau trái sạch.
—————
🏡 Liên hệ CÔNG TY CỔ PHẦN SIÊU THỊ NHÀ NÔNG
♻️ Niềm tin nhà nông – Nâng tầm cuộc sống
📞 0977.35.42.79
✉️ info@sieuthinhanong.com.vn
🎯 Lâm Đồng: Quốc lộ 55, Thôn 3, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng
🎯 Đắk Nông: Quốc lộ 14, Thôn 6, Kiến Thành, Đắk R’Lấp, Đắk Nông.