Cây giáng hương có vẻ đẹp độc đáo và giá trị kinh tế cao. Cùng tìm hiểu về đặc điểm, công dụng và cách trồng cây giáng hương qua bài viết sau đây.
- Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cho cây bưởi da xanh
- Cây giống hoa Dạ Yến Thảo tại Siêu Thị Nhà Nông Lâm Đồng
-
Giới thiệu cây Giáng Hương
Cây Giáng Hương tên thường gọi là Giáng Hương hay Dáng Hương, Đinh Hương. Tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, thuộc họ đậu. Có nguồn gốc từ Đông Nam Á (Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Ở Việt Nam Giáng Hương phân bố chủ yếu ở các tỉnh Kontum, Đắc Lắc, Phú Yên, Gia Lai, Đồng Nai và Tây Ninh.
Đặc điểm hình thái cây Giáng Hương
Giáng Hương thuộc nhóm cây thân gỗ thẳng, tròn to và có tán rộng. Cây có thể cao từ 25-40m. Đường kính của thân cây trung bình từ 0,7-0,9m, có những cây trong rừng nguyên sinh đường kính lên tới 1,7m. Gốc có bạnh vè, vỏ màu nâm sẫm nứt dọc hay bong những vảy lớn không đều. Nhựa cây có màu đỏ.
Lá cây thuộc kiểu lá kép lông chim mọc cách, thường thay lá vào mùa khô. Cành non mảnh và cũng có lông, tán lá xanh rộng tạo bóng mát. Hoa Giáng Hương màu vàng và có mùi thơm dễ chịu. Hoa mọc thành chùm ở nách lá, có cuống dài và nhiều lông màu nâu. Quả tròn dẹp như cái bánh đa bên trong có 1 đến 2 hạt.
Đặc điểm sinh trưởng
Giáng Hương có tốc độ sinh trưởng trung bình, phải được trồng nơi thoát nước tốt. Hơn hẳn nhiều loại cây khác, Giáng Hương rất dễ trồng. Cây có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt hay những loại đất khô cằn. Nó thích hợp với những vùng có khí hậu nhiệt đới. Vì vậy ở nước ta là nơi rất thích hợp để trồng loại cây này.
-
Tác dụng cây Giáng Hương
Cây cảnh quan đô thị, cải tạo môi trường sống
Giáng Hương có dáng rất đẹp. Hà Nội đang có đề án sử dụng loại cây này để thay thế cây Xà Cừ. Lý do là bởi không chỉ có dáng đẹp, tán lá rộng cho bóng mát tuyệt vời mà nó còn là một loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, một điểm mạnh nữa đó là tác dụng thanh lọc bầu không khí bảo vệ môi trường.
Tại Hà Nội bạn có thể bắt gặp loài cây này ở Vườn Bách thảo Tao Đàn, Thảo Cầm Viên hay ở Công viên Thống Nhất. Hiện nay nó được nhiều người ưa chuộng trồng nhiều để tạo giá trị kinh tế, tạo cảnh quan mang đến cuộc sống trong lành.
Tác dụng chữa bệnh của cây Giáng Hương
Từ rễ, thân, hoa của nó đều được sử dụng thành những bài thuốc quý chữa bệnh trong đông y. Thân cây Giáng Hương có chứa hoạt chất chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2. Rễ Giáng Hương sử dụng kết hợp với những vị thuốc khác để điều kinh. Ngoài ra rễ cây còn có vi sinh vật cộng hưởng có khả năng cố định đạm cải tạo đất.
Tinh dầu gỗ Giáng Hương dùng để chế biến một số dược liệu quý điều trị một số bệnh hiểm nghèo. Dịch nhựa mủ màu đỏ chảy ra từ vỏ cây, nếu sấy khô sẽ cho một chất nhựa, sử dụng để trám răng. Hoặc làm thuốc nhuộm màu đỏ rất tự nhiên.
Giá trị gỗ Giáng Hương
Cây gỗ Giáng Hương rất quý và đắt. Nó có màu xám nhạt, lõi nâu vàng hoặc nâu hồng, vân đẹp, thớ gỗ mịn, khá nặng và cứng. Gỗ còn có mùi thơm, độ dãn nở gần như bằng không. Đặc biệt gỗ Giáng Hương không bị mối mọt, không bị biến đổi theo thời gian. Sau 10 hay 20 năm màu sắc gỗ không hề thay đổi, trông vẫn rất mới, cứng và chắc.
Gỗ Giáng Hương có giá trị xuất khẩu cao. Giá một m3 gỗ đã qua xử lý dao động ít nhất từ 40-50 triệu đồng. Được dùng để đóng đồ đạc, bàn ghế, làm sàn gỗ, làm đồ gỗ mỹ nghệ… Gỗ Giáng Hương nếu sử dụng làm sàn gỗ được coi là sản phẩm cao quý, sang trọng. Ưu điểm của gỗ là mùa đông ấm, mùa hè mát, hương thơm tự nhiên, có lợi cho sức khỏe… Có lẽ vì giá trị cây Giáng Hương rất lớn nên nhiều người nổi lòng tham thực hiện những vụ khai thác gỗ trái phép vận chuyển buôn bán xuyên quốc gia.
-
Cách trồng và chăm sóc cây giáng hương
Cách trồng cây giáng hương tại nhà
Gieo hạt
Trước tiên, bạn chọn ra những hạt giống khỏe mạnh, không bị lép hay hỏng rồi mang chúng đi ngâm trong nước ấm khoảng 8 – 10 tiếng, sau đó vùi hạt vào cát ẩm. Bạn chờ cho đến khi hạt nảy mầm thì cho ra hố đất để trồng bình thường.
Giâm cành
Bạn chọn những cành khỏe mạnh từ cây giáng hương mẹ sau đó ngâm trong dung dịch kích rễ khoảng 6 – 8 tiếng. Tiếp theo, bạn cắm cành xuống đất trồng, sau đó tưới nước và chăm sóc thường xuyên để cành mau ra rễ và sinh trưởng.
Cách chăm sóc cây giáng hương
Đất trồng
Tuy cây giáng hương không kén đất và rất dễ trồng nhưng bạn nên lựa chọn đất trồng có độ tơi xốp cao, giàu dinh dưỡng, nhiều thịt và có khả năng thoát nước tốt.
Nước tưới
Cây giáng hương không đòi hỏi quá nhiều nước nên bạn chỉ cần tưới khoảng 3 – 4 lần/tuần và không tưới quá nhiều để tránh gây ngập úng rễ, khiến cây chết.
Ánh sáng
Cây giáng hương là loài cây ưa sáng nên bạn cần trồng cây ở những nơi những nơi có nhiều ánh sáng để tạo điều kiện cho việc sinh trưởng và quang hợp.
Bón phân
Đối với cây mới trồng, bạn nên bón thúc bằng phân hữu cơ hoặc phân NPK để kích thích đâm chồi và phát triển nhanh. Sau đó, bạn duy trì bón phân khoảng 2 lần/năm vào trước và cuối mùa mưa. Còn cây đã trưởng thành và cao lớn thì việc bón phân không bắt buộc.
Phòng sâu bệnh
Vốn là cây thân gỗ nên cây giáng hương rất dễ bị côn trùng tấn công và làm tổ trên thân cây. Cho nên, cần phun thuốc diệt côn trùng hoặc bôi vôi vào gốc cây thường xuyên để cây phát triển khỏe mạnh.